Năm 2022 chứng kiến sự biến động không ngừng của giá gas thế giới do tác động từ cuộc khủng hoảng năng lượng Nga - EU. Giá gas trong nước cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ khi nguồn cung phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu khí đốt và biến động tỷ giá.
Năm 2022 chứng kiến sự biến động không ngừng của giá khí đốt tự nhiên trên thị trường thế giới. Một phần nguyên nhân của sự biến động này xuất phát từ cuộc khủng hoảng năng lượng Châu Âu. Từ mức giá khoảng hơn 3,5 USD/MMBtu, giá khí đốt đã tăng lên gấp đôi vào tháng 4/2022, thậm chí gần gấp 3 vào cuối tháng 8/2022.
Trong những tháng cuối năm 2022, mặc dù Châu Âu đã có nhiều biện pháp đối phó với khủng hoảng năng lượng, giảm thiểu sự phụ thuộc vào Nga khiến giá khí đốt giảm nhưng nhìn chung vẫn chưa thể quay lại mốc đầu năm. Theo số liệu thống kê của TradingEconomics, giá khí đốt cuối năm 2022 vẫn cao hơn gần 30% so với thời điểm cuối năm 2021.
►Xem thêm: Cuộc chiến khí đốt giữa Nga và châu Âu chưa hồi kết
Trong 12 tháng năm 2022, giá gas bán lẻ trong nước biến động không ngừng với 5 chu kỳ tăng và 7 chu kỳ. Cụ thể, giá gas 12kg tăng giảm như sau:
Tháng 1 | Tháng 2 | Tháng 3 | Tháng 4 | Tháng 5 | Tháng 6 |
🔻8.000đ | 🔺16.000đ | 🔺42.000đ | 🔺14.000đ | 🔻29.000đ | 🔻31.000đ |
Tháng 7 | Tháng 8 | Tháng 9 | Tháng 10 | Tháng 11 | Tháng 12 |
🔻7.000đ | 🔻18.000đ | 🔻7.000đ | 🔻18.000đ | 🔺21.000đ | 🔺14.000đ |
Như vậy, tính đến cuối năm 2022, giá gas bán lẻ trong nước ghi nhận 7 lần giảm với tổng mức giảm 118.000đ và 5 lần tăng với tổng mức tăng 107.000đ. Như vậy, giá gas tháng 12/2022 đã giảm 11.000đ so với thời điểm cuối năm 2021.
Trong năm 2022, giá gas 12kg có 3 kỳ vượt mức 500.000đ/bình vào tháng 3, 4 và tháng 5/2022. Trong các tháng còn lại, giá gas dao động ở mức từ 440.000 - 494.000đ/bình.
Biểu đồ giá gas 12kg bán lẻ 12 tháng năm 2022
Sự biến động về giá gas bán lẻ chịu tác động lớn từ diễn biến giá gas thế giới và tỷ giá USD bởi 60% nhu cầu tiêu thụ vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu khí đốt. Trong 12 tháng năm 2022, Việt Nam nhập khẩu khoảng hơn 2 triệu tấn khí đốt hóa lỏng với giá nhập khẩu bình quân khoảng 785 USD/tấn. Riêng tháng 4/2022, giá nhập khẩu LPG lên đến 911 USD/tấn.
►Xem thêm: Giá gas hôm nay: Cập nhật giá gas mới nhất hiện nay
Trong một báo cáo đưa ra đầu tháng 11/2022, Ngân hàng Goldman Sachs (GS) dự báo: Giá khí tự nhiên tại châu Âu có thể giảm 30% trong vài tháng tới, khi các quốc gia trong khu vực tạm thời kiểm soát được vấn đề nguồn cung. Theo GS, vào thời điểm đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng 10/2022, giá khí đốt giao sau trên sàn TTF ở Hà Lan giá tiêu chuẩn của thị trường khí đốt châu Âu giảm còn chưa đầy 115 Euro/MWh. Goldman Sachs dự báo giá sẽ tiếp tục giảm, về mức 85 Euro/MWh vào quý 1/2023.
Nếu dự báo trên trở thành hiện thực, đó sẽ là một thay đổi lớn so với những gì diễn ra hồi tháng 8/2022. Ở thời điểm đó, do ảnh hưởng của cuộc chiến Nga - Ukraine và căng thẳng giữa Moscow với EU xung quanh cuộc chiến này, giá khí đốt tại châu u đã tăng lên mức cao chưa từng có trên 340 Euro/MWh).
Theo GS: Có nhiều yếu tố khiến giá khí đốt ở châu Âu hạ nhiệt, chẳng hạn như dự trữ khí đốt của châu Âu cho mùa đông năm nay về cơ bản đã đầy.
Giá khí đốt ở châu Âu trong ngắn hạn sẽ nghiêng về giảm và nhờ đó cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trong khu vực sẽ bớt căng thẳng. Tuy nhiên, trong trung hạn, các nhà lãnh đạo châu Âu tiếp tục đối mặt sức ép lớn trong việc tìm nguồn cung thay thế khí đốt Nga. “Chúng tôi dự báo giá khí đốt sẽ tiếp tục giảm về mức 85 Euro/MWh trong quý 1/2023, trước khi tăng mạnh trở lại vào mùa hè, khi châu u phải xây dựng dự trữ khí đốt cho mùa đông tiếp theo” - Báo cáo của Goldman Sachs cho hay.
Theo hãng tin CNBC: Có một số nguyên nhân có thể dẫn tới việc giá khí đốt tăng mạnh trở lại sau quý 1/2023. Chẳng hạn như nguồn cung LNG toàn cầu trong năm tới sẽ chỉ tăng thêm rất ít, hay sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc nên nhập khẩu LNG của quốc gia này sẽ tăng.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA): Trung Quốc là nước nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới (năm 2021), nhưng do chính sách chống dịch hà khắc Zero Covid khiến kinh tế Trung Quốc sụt tốc. Vì vậy, nếu Trung Quốc mở cửa trở lại, nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ lại tăng mạnh và các nhà nhập khẩu từ châu Âu sẽ phải trả mức giá cao hơn để mua được những lô LNG như mong muốn.
Xuất khẩu của LNG của Mỹ sang EU và Vương quốc Anh đã tăng hơn gấp ba lần so với năm ngoái, do đó châu Âu chiếm khoảng 3/4 lượng xuất khẩu LNG của Mỹ trong nửa đầu năm 2022. Sự gia tăng xuất khẩu LNG của Mỹ phản ánh giá giao ngay cao của khí đốt tự nhiên châu u so với giá của cả Mỹ và châu Á. Tuy nhiên, xuất khẩu LNG của Mỹ gần đây đã giảm do một vụ nổ tại một kho cảng LNG lớn. Sự gián đoạn nguồn cung này dự kiến sẽ kéo dài.
Theo dự báo ngắn hạn của EIA công bố đầu tháng 11/2022: Giá khí đốt tự nhiên chuẩn từ mỏ Henry Hub sẽ ở mức trung bình gần 5,50 USD/MMBtu vào tháng 11/2022, trước khi tăng lên hơn 6 USD/MMBtu vào tháng 12 và quý 1/2023. Giá khí đốt tự nhiên thường tăng trong những tháng mùa đông khi thời tiết lạnh, nhưng dựa trên dự báo thời tiết hiện tại từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia, dự báo của EIA giả định biến động mùa đông ít tuy vẫn có thể xảy ra và dựa vào việc nạp đầy kho lưu trữ với tốc độ nhanh hơn dự kiến trước mùa đông, nên EIA đã giảm giá khí đốt tự nhiên giao ngay cho thời gian còn lại của năm 2022 và quý đầu tiên của năm 2023.
Còn theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB): Giá khí đốt tự nhiên của Mỹ có thể ở mức trung bình 5,20 USD/MMBtu vào năm 2022, 4,80 USD vào năm 2023 và 4,20 USD vào năm 2024. WB còn dự kiến giá khí đốt ở châu Âu sẽ giao dịch ở mức 34 USD/MMBtu vào năm 2022, 25 USD vào năm 2023 và 22,3 USD vào năm 2024.
Đối với LNG, WB dự đoán nó sẽ ở mức trung bình 19 USD/MMBtu vào năm 2022, giảm xuống còn 14 USD vào năm 2023 và 13,3 USD vào năm 2024.
Tham khảo: MarketWatch