Chiều ngày 22/9/2023, hội thảo "Góp ý đổi mới Nghị định về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh Khí" đã diễn ra tại trụ sở toag nhà PV GAS - đường Nguyễn Hữu Thọ, Nhà Bè, TP.HCM. Hội thảo do Hiệp hội Gas Việt Nam phối hợp với Tổng Công ty Khí Việt Nam tổ chức nhằm lấy ý kiến hoàn thiện hệ thống quản lý, sửa đổi và bổ sung những bất cập của Nghị Định 87/2018/CP–NĐ năm 2018 về kinh doanh khí trong thực tế áp dụng.
Hội thảo có sự tham gia của ông Trần Minh Loan – Phó chủ tịch Hiệp Hội Gas Việt Nam; Ông Triệu Quốc Tuấn – Thành viên Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS); Ông Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cùng đại diện Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương và hơn 50 doanh nghiệp là thành viên Hiệp hội.
Hội thảo tập trung vào 4 nhóm vấn đề chính trong lĩnh vực kinh doanh gas hiện nay gồm: Quản lý nguồn; quản lý lưu thông, phân phối; quản lý tiêu dùng trực tiếp và quản lý giá. Tại hội thảo, nhiều ý kiến đã chỉ ra những bất cập trong quá trình áp dụng Nghị định 87 đồng thời đóng góp ý kiến để đổi mới, hoàn thiện Nghị định mới trong thời gian sắp tới.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự hội thảo đã tham luận và đưa ra thảo luận các vấn đề về công tác quản lý của Nhà nước trong việc cung cấp nguồn khí, các chế tài đối với vi phạm trong kinh doanh LPG và công tác quản lý chuỗi phân phối cung cấp trực tiếp LPG đến người tiêu dùng sau 5 năm thực hiện Nghị định 87. Từ đó tìm ra những giải pháp thực tiễn mang tính khả thi, đột phá nhằm nâng cao vai trò, hiệu quả quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh khí.
Theo nhiều đại biểu tham dự, Dự thảo lần 1 của Nghị định thay thế Nghị định 87 về kinh doanh khí đang có một số quy định chưa phù hợp khiến doanh nghiệp e ngại sẽ làm mất cân đối nguồn hàng và cạnh tranh không lành mạnh.
Ông Triệu Quốc Tuấn - Thành viên HĐQT Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cho rằng, sau gần 5 năm thực hiện, việc rà soát và sửa đổi Nghị định 87 nhằm cập nhật những thay đổi của thị trường, điều chỉnh những vấn đề bất cập gây khó khăn trong hoạt động kinh doanh khí là điều cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 87 vẫn còn nhiều quy định chưa phù hợp.
Theo ông Tuấn, quy định về quyền và nghĩa vụ đối với thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu khí trong dự thảo Nghị định mới còn khá lỏng lẻo. Nếu theo quy định, rất nhiều thương nhân kinh doanh LPG hiện nay đáp ứng điều kiện xuất nhập khẩu LPG mà không cần sở hữu cơ sở vật chất như cầu cảng, kho, trạm chiết nạp, hệ thống phân phối, chai LPG bởi việc thuê kho LPG đi kèm cầu cảng hiện nay khá dễ dàng. Điều này sẽ dẫn đến các vấn đề như mất cân đối nguồn hàng trên thị trường và cạnh tranh không lành mạnh.
Ông cho biết, khoảng 62 - 65% nhu cầu tiêu thụ gas của Việt Nam hiện nay phụ thuộc vào nguồn LPG nhập khẩu. Nếu không có những quy định ràng bược về nghĩa vụ nhập khẩu, dự trữ và lưu thông LPG đối với thương nhân sẽ rất dễ gây ra tình trạng thừa - thiếu hàng cục bộ khi giá gas tăng - giảm. Bên cạnh đó, khi có quá nhiều thương nhân tham gia vảo quá trình phân phối nguồn sẽ xảy ra tình trạng tăng/giảm giá bán bất thường, gây rối loạn thị trường.
►Xem thêm: Việt Nam tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên dù giá tăng cao
Đại diện PV GAS kiến nghị bổ sung các vướng mắc nêu trên với dự thảo và đề xuất rằng các thương nhân xuất nhập khẩu khí gas phải sở hữu cơ sở vật chất tương ứng và đề nghị Bộ Công thương có quy định về công suất tối thiểu đối với bồn chứa LPG, LNG.
Là đại diện thương nhân nước ngoài tham gia đóng góp ý kiến tham luận tại Hội thảo, ông Hosokoji Yu - Chủ tịch Công ty Gas Bình Minh, TGĐ Công ty TNHH Sopet Gasone đã chia sẻ 2 nội dung về thực tế kinh doanh LPG tại Nhật Bản và những đề xuất của doanh nghiệp này về Quy định quản lý mảng bán lẻ gas tại Việt Nam.
Ông Hosokoji Yu cho rằng, hiện nay chưa có quy định cụ thể nào của nhà nước về các điều khoản cần có trong hợp đồng cung cấp gas cho khách hàng, chẳng hạn như điều khoản khi thay đổi nhà cung cấp gas, trách nhiệm của người cung cấp gas, trách nhiệm của người sử dụng gas,....Điều này dẫn đến hiện trạng rất nhiều người tiêu dùng không nhận thức được trách nhiệm về đảm bảo an toàn của mình khi sử dụng gas. Đây cũng là một nguyên nhân lớn khiến cho người tiêu dùng sử dụng những bình gas bị sang chiết trái phép, không đạt tiêu chuẩn về an toàn mà không hề hay biết, dẫn đến nguy cơ rủi ro cháy nổ cao trong gia đình.
Ông Hosokoji Yu cho biết thêm, pháp luật Nhật Bản quy định rõ ràng về 7 nghiệp vụ bảo an bắt buộc phải thực hiện khi cung cấp gas cho người tiêu dùng, điều này là cần thiết để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Đồng thời ông cũng cho rằng, không cần thiết có những quy định về cửa hàng bán lẻ gas tại Mục 5, điều 23 của Nghị định 87 và các điều khoản khác liên quan trực tiếp đến cửa hàng gas, vì bản chất bán lẻ gas thì không cần có cửa hàng.
►Xem thêm: Cần kiểm soát, quy định rõ việc xử phạt đại lý chứa vỏ bình gas 'tạp'
Trả lời Phỏng vấn báo chí tại hội thảo, ông Trần Minh Loan – Phó chủ tịch Hiệp Hội Gas Việt Nam nhấn mạnh hiện nay, quy định thương nhân kinh doanh mua bán khí phải có đường ống vận chuyển khí, trạm cấp khí là không cần thiết, chồng lấn các điều kiện với nhau.
Trong khi đó, Hiệp hội gas và các doanh nghiệp nhận thấy điều kiện đưa ra để được cấp Giấy Chứng nhận đủ điều kiện là thương nhân xuất - nhập khẩu khí dạng rời chỉ cần cầu cảng, bồn chứa; thương nhân xuất - nhập khẩu LPG chỉ cần bổ sung chai; thương nhân xuất nhập khẩu khí qua đường ống chỉ cần bổ sung đường ống, trạm cấp khí cũng là chưa hợp lý.
Hơn nữa, Nghị định 87 cho phép thương nhân kinh doanh LPG được thuê chai LPG, nhưng không quy định chai LPG phải đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho thị trường LPG, khi xảy ra cháy nổ sẽ không thể gắn trách nhiệm cụ thể đến từng thương nhân, không gắn và truy trách nhiệm cuối cùng của thương nhân đối với chai LPG.
“Nếu cho phép thuê và đi thuê chai chứa LPG sẽ có nguy cơ rất cao, hình thành đối tượng chuyên đi thu gom chai chứa LPG của các chủ sở hữu đang lưu hành trên thị trường, sau đó hoán cải thành các nhãn hiệu nổi tiếng khác và cho thuê. Hiện nay, trên thị trường kinh doanh LPG, liên tục xảy ra các vụ việc liên quan đến hành vi chiếm dụng, cắt tai, mài vỏ chai LPG, chai LPG không có nhãn hiệu hàng hóa, chai LPG không đáp ứng an toàn kỹ thuật, gây mất an toàn, ảnh hưởng đến tính mạng người tiêu dùng, làm thiệt hại kinh tế của các thương nhân đầu tư kinh doanh chân chính, bài bản”, ông Trần Minh Loan bức xúc.
Hiện nay, Việt Nam đang có khoảng 16.000 thương nhân kinh doanh LPG đang chịu sự chi phối và giám sát của Nghị định số 87/2018/CP–NĐ năm 2018 về kinh doanh khí, đa số trong đó là loại hình thương nhân Tổng đại lý, đại lý với quy mô nhỏ.
Sau gần 5 năm ban hành và thực thi, việc rà soát và sửa đổi Nghị định về Kinh doanh khí là hết sức cần thiết để cập nhật về những thay đổi của thị trường, điều chỉnh những vấn đề bất cập, những quy định gây khó khăn vướng mắc trong hoạt động kinh doanh Khí.
Phát biểu kết thúc hội thảo, ông Trần Minh Loan khẳng định, Hiệp hội Gas Việt Nam sẽ có văn bản chính thức báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các Cơ quan ban ngành chức năng ý kiến góp ý cho việc sửa đổi Nghị định này nhằm xây dựng một hành lang pháp lý hiệu quả, hướng đến một môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, phát triển bền vững, tiếp tục đóng góp hiệu quả cho kinh tế xã hội, an ninh năng lượng quốc gia.