X
Gas 4.0 &more App
Đặt hàng online, giao hàng tận nơi
FREE - App Store and Google Play

Lắp đặt hệ thống gas công nghiệp cho nhà hàng, quán ăn

Bếp gas luôn là lựa chọn hàng đầu của hầu hết đầu bếp làm việc tại các nhà hàng, quán ăn bởi khả năng điều chỉnh nhiệt độ (độ lửa) vô cùng linh hoạt, giúp đảm bảo hương vị “chuẩn” khi chế biến các món ăn khác nhau. Với nhu cầu sử dụng nhiều và liên tục, lắp đặt hệ thống gas công nghiệp cho nhà hàng, quán ăn là giải pháp được chủ doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn nhằm đảm bảo sự an toàn, vận hành ổn định và tối ưu chi phí sử dụng.

 

1. Hệ thống gas công nghiệp của nhà hàng, quán ăn là gì?

Thông thường, các hệ thống bếp gas trong gia đình hoặc quán ăn nhỏ được lắp đặt riêng lẻ, bao gồm 1 bình gas kết nối với 1 bếp bằng van và dây dẫn. Để thuận tiện cho việc khóa/mở van và tối ưu không gian, bình gas thường được đặt gần với bếp (khoảng cách khoảng 1-1,5m). 

Tuy nhiên, việc lắp đặt hệ thống bếp riêng lẻ như thế này chỉ giới hạn ở bếp ăn gia đình, quán ăn nhỏ chỉ sử dụng vài ba bếp. Với các quán ăn, nhà hàng phải phục vụ hàng chục, hàng trăm lượt khách cùng lúc thì hệ thống này hoàn toàn không thể đáp ứng được, bởi:

- Nếu nhu cầu nấu nướng nhiều, việc lắp đặt nhiều bộ bếp - bình - dây dẫn đòi hỏi không gian bếp rộng, dễ bị vướng víu nên khó tối ưu được không gian để đặt/chứa các thiết bị, dụng cụ nấu nướng nướng khác.

- Các quán ăn, nhà hàng thường phải nấu nướng liên tục trong thời gian dài khiến nhiệt độ môi trường trong phòng bếp cao hơn các khu vực khác. Do đó, nếu đặt bình gas gần bếp sẽ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ do nhiệt độ cao làm tăng áp suất gas trong bình.

- Khi lắp đặt riêng lẻ, nếu gas hết giữa chừng thì người nấu sẽ phải tạm dừng để chờ thay thế bình gas mới. Điều này khiến việc nấu nướng bị gián đoạn, ảnh hưởng đến hương vị món ăn đang chế biến hoặc khiến khách hàng phải chờ đợi lâu.

Việc lắp đặt một hệ thống gas công nghiệp sẽ khắc phục được những nhược điểm này.

Hệ thống gas công nghiệp cho nhà hàng quán ăn là gì 

Khác với bếp ăn gia đình, hệ thống gas công nghiệp của nhà hàng, quán ăn là một hệ thống đồng bộ bao gồm các đường ống, van gas công nghiệp và thiết bị được kết nối với nhau giúp dẫn khí gas từ các bình gas/bồn chứa đến các thiết bị sử dụng gas trong nhà bếp (lò nấu, lò nướng/hấp, lò đun nước,…). Hệ thống này có khả năng chứa và cung cấp lượng khí gas đủ lớn cho nhiều thiết bị sử dụng cùng lúc trong một khoảng thời gian dài.

Các thiết bị chính trong 1 hệ thống gas công nghiệp của quán ăn, nhà hàng gồm:

- Thiết bị lưu trữ gas: nhiều bình gas hoặc bồn chứa;

- Đường ống dẫn gas: Ống thép carbon, ống đồng, ống mềm chuyên dụng, ống cao su/nhựa chuyên dụng;

- Van điều áp và đồng hồ;

- Van khóa mở, van điện từ;

- Phin lọc gas;

- Thiết bị điều khiển: tủ điện trung tâm/tủ điều khiển trung tâm.

 

2. Tại  sao các nhà hàng, quán ăn nên lắp đặt hệ thống gas công nghiệp?

Bếp ăn của các quán ăn, nhà hàng sử dụng lưu lượng gas lớn và liên tục trong thời gian dài. Nhu cầu sử dụng khí gas trong các bếp ăn nhà hàng không chỉ là chế biến món ăn trực tiếp mà còn cung cấp nhiệt lượng để làm nóng nước, hấp, sấy thực phẩm, khử trùng dụng cụ. Điều này khó thực hiện được nếu chỉ lắp đặt các bộ bếp riêng lẻ. Việc lắp đặt hệ thống gas công nghiệp trong nhà hàng, quán ăn mang lại nhiều lợi ích như:

 

Tối ưu không gian bếp

Bình gas, đặc biệt là bình công nghiệp 45 - 50kg có kích thước không nhỏ nên nếu đặt bình gần với bếp nấu như bếp gas gia đình thì sẽ chiếm dụng rất nhiều không gian. Tuy nhiên với hệ thống gas công nghiệp, khí gas sẽ được lắp đặt ở 1 khu vực riêng biệt gọi là trung tâm gas/kho chứa gas. 

Kho chứa gas trong hệ thống gas công nghiệp của nhà hàng GoGi House

Kho chứa gas thường đặt cách xa khu vực nấu nướng nên có thể tối ưu không gian bếp. Các đầu bếp có thể tận dụng khoảng không gian bên dưới lò bếp để lắp đặt thêm một số thiết bị hoặc đặt dụng cụ bếp để thuận tiện cho việc nấu nướng, cho gian bếp gọn gàng, thông thoáng hơn.

 

Nâng cao hiệu quả sử dụng, tiết kiệm chi phí

Trong hệ thống bếp gas công nghiệp cho nhà hàng, quán ăn khí gas sẽ được cung cấp cho các thiết bị đầu cuối (lò nấu, lò nước nóng, lò hấp,...) thông qua ống dẫn. Hệ thống đường ống dẫn này thường chia thành nhánh gas chính và nhánh gas phụ. Khi bình gas cung cấp cho nhánh gas chính hết, bộ điều khiển trung tâm sẽ chuyển qua nhánh phụ (thao tác thủ công hoặc tự động tùy bộ điều khiển lắp đặt). Nhờ đó, quá trình sử dụng không bị gián đoạn khi thay thế bình gas mới, hiệu quả sử dụng cũng được nâng cao.

Ngoài ra, khi lắp đặt hệ thống và có trung tâm chứa gas, các nhà hàng hay quán ăn có thể mua khí gas với số lượng lớn để tận dụng chính sách chiết khấu của nhà cung cấp. Ngoài ra, trong trường hợp giá gas có xu hướng tăng, việc mua trước khi giá thấp và lưu trữ ở kho chứa gas để dùng khi giá tăng cao có thể giúp nhà hàng, quán ăn tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ.

 

Hệ thống gas công nghiệp có độ an toàn cao

Trong bếp gia đình, các nhà sản xuất/phân phối thường khuyến cáo người dùng nên đặt bình gas cách bếp nấu tối thiểu 1 - 1,5m để hạn chế bị bắt lửa khi gas bị rò rỉ và tránh làm tăng áp suất khí gas trong bình do nhiệt độ môi trường tăng khi đun nấu trong thời gian dài.

Trong hệ thống gas công nghiệp cho quán ăn, nhà hàng, bình gas/bồn chứa sẽ được đặt cách xa khu vực bếp nấu, nhờ đó giảm thiểu tối đa nguy cơ cháy nổ. Ngoài ra, hầu hết các hệ thống gas công nghiệp thường tích hợp thêm hệ thống cảnh báo giúp phát hiện sớm sự rò rỉ khí gas, nâng cao độ an toàn.

 

Tiết kiệm chi phí vận hành, bảo trì bảo dưỡng

Với những hệ thống sử dụng bộ điều khiển trung tâm, việc vận hành không đòi hỏi nhiều nhân lực, thời gian, thậm chí có thể vận hành một cách linh hoạt để đáp ứng nhu cầu sử dụng khác nhau. 

Khi lắp đặt, các đơn vị thi công/chủ đầu tư phải sử dụng thiết bị có chất lượng tốt, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn khả năng hoạt động ổn định nên có thể giảm thiểu hư hỏng trong quá trình sử dụng. Nhờ đó, hệ thống sẽ giúp tiết kiệm được chi phí bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế thiết bị.

 

3. Tiêu chuẩn lắp đặt hệ thống gas công nghiệp cho quán ăn, nhà hàng

Khác với hệ thống gas gia đình chỉ cần bếp, bình gas, van, dây dẫn đạt tiêu chuẩn an toàn, việc thiết kế và lắp đặt hệ thống gas công nghiệp cho nhà hàng, quán ăn đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn khắt khe hơn. Để vận hành an toàn, ổn định, tiết kiệm chi phí, hệ thống gas cần đáp ứng các yêu cầu sau:

- Đảm bảo an toàn PCCC, tuân thủ các tiêu chuẩn của Nhà nước;

- Các thiết bị trong hệ thống (bếp, đường ống, bồn chứa/bình gas, van…) phù hợp với tiêu chuẩn ngành;

- Trữ lượng gas đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng;

- Vị trí lắp đặt, bố trí thiết bị phù hợp với không gian và diện tích bếp;

- Đảm bảo khoảng cách vận hành an toàn;

- Có khả năng kiểm soát lượng gas tiêu thụ, tối ưu hiệu suất sử dụng;

- Người thiết kế, lắp đặt hệ thống phải có chuyên môn;

- Hệ thống phải được kiểm định an toàn, vận hành thử trước khi đưa vào sử dụng theo đúng quy định.

 

Để được hoạt động, các nhà hàng, quán ăn phải được Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép đủ điều kiện đảm bảo an toàn PCCC, trong đó hệ thống gas cần đáp ứng các quy định sau:

- QCVN 08:2012/BKHCN: Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG).

QCVN 04:2013/BCT: Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng bằng thép.

QCVN 01:2016/BCT: Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn đường ống dẫn khí đốt cố định bằng kim loại.

TCVN 6486:2008: Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) - Tồn chứa dưới áp suất (Yêu cầu về thiết kế và vị trí lắp đặt).

- TCVN 7441:2004: Hệ thống cung cấp khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại nơi tiêu thụ (Yêu cầu thiết kế, lắp đặt và vận hành)

- TCXDVN 377:2006: Hệ thống cấp khí đốt trung tâm trong nhà ở (Tiêu chuẩn thiết kế).

- TCXDVN 387:2006: Hệ thống cấp khí đốt trung tâm trong nhà ở (Tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu).

- TCVN 7832:2007: Chai chứa khí - Chai thép hàn nạp lại được dùng cho khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG)

- TCVN 6008:2010: Thiết bị áp lực - Mối hàn yêu cầu kỹ thuật và phương pháp kiểm tra.

- TCVN 9385:2012: Chống sét cho công trình xây dựng - Hướng dẫn thiết kế, kiểm tra & bảo trì hệ thống (Yêu cầu chung).

- TCVN 2622:1995: Phòng cháy chữa cháy cho nhà và công trình (Yêu cầu thiết kế).

- TCVN 5334:2007: Thiết bị điện kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ (Yêu cầu an toàn trong thiết kế, lắp đặt và sử dụng).

- TCVN 9358:2012: Lắp đặt hệ thống nối đất thiết bị cho các công trình công nghiệp (Yêu cầu chung).

 

Ngoài ra, một số nhà hàng nằm trong khách sạn 4-5 sao cần tuần thủ một vài tiêu chuẩn Quốc tế về thiết kế hệ thống gas như:

- ASME 31.3 - Process Piping.

- ASME 31.8 - Gas Transmission and Distribution Piping System.

- NFPA 58 - Liquefied Petroleum Gas Code.

Tiêu chuẩn lắp đặt hệ thống gas công nghiệp cho nhà hàng

Dưới đây là một số tiêu chuẩn quan trọng cần lưu ý khi lắp đặt hệ thống gas công nghiệp cho nhà hàng, quán ăn:

 

3.1. Vị trí lắp đặt hệ thống gas

Vị trí lắp đặt hệ thống gas không chỉ tối ưu không gian mà còn mang lại sự thuận tiện cho nhân viên khi làm việc trong khu vực bếp. Mỗi một nhà hàng, quán ăn có diện tích, cách bố trí mặt bằng khác nhau. Chính vì thế, trước khi xác định vị trí lắp đặt hệ thống và các thiết bị trong gian bếp, các đơn vị thiết kế, thi công hệ thống cần tiến hành khảo sát mặt bằng và nhu cầu sử dụng thực tế của nhà hàng. Việc khảo sát này giúp nhà thiết kế xác định được trữ lượng gas, diện tích kho chứa gas, điểm kết nối, vị trí lắp đặt đường ống cấp gas và các thiết bị phù hợp.

 

Trong đó, vị trí lắp đặt của kho chứa gas đóng vai trò quan trọng khi lắp đặt hệ thống gas công nghiệp cho nhà hàng, quán ăn. Để đảm bảo an toàn, vị trí đặt kho chứa gas nên đáp ứng các yêu cầu:

- Tuân thủ các quy định về khoảng cách an toàn;

- Khu vực kho chứa gas phải thông thoáng, không đặt tại các tầng hầm, không gian kín;

- Vị trí đặt các bình gas phải bằng phẳng, sạch sẽ, khô thoáng;

- Tránh đặt gần các lối ra vào, khoảng cách đến các khoảng mở như cửa sổ, nắp cống,...tối thiểu 1m;

- Cách xa các nguồn nhiệt, nguồn điện tối thiểu 1,5m;

- Không đặt gần các nguồn hóa chất dễ cháy khác như xăng, dầu, dung môi cháy,...

- Dễ tiếp cận khi vận chuyển, thay thế hoặc xử lý khi có sự cố;

- Có hàng rào ngăn ngừa sự xâm nhập trái phép.

- Không đặt bồn chứa gas ở nơi có bóng râm để hạn chế tối đa khả năng tự bay hơi của khí gas.

 

3.2. Lắp đặt thiết bị trong hệ thống gas công nghiệp

Để đáp ứng các quy định của Cơ quan Nhà nước và đảm bảo độ an toàn, các thiết bị trong hệ thống gas công nghiệp của nhà hàng, quán ăn phải đạt tiêu chuẩn cần thiết như:

 

Vật liệu ống dẫn 

Tùy vào lưu lượng gas sử dụng, vị trí lắp đặt, điều kiện môi trường, phương pháp thi công và phụ kiện đi kèm, nhà thiết kế sẽ lựa chọn loại đường ống làm từ vật liệu phù hợp trong số những loại sau: 

- Thép carbon: nên dùng ống đạt tiêu chuẩn SCH40 hoặc SCH80 tùy vào áp suất và trạng thái môi chất LPG.

- Thép không gỉ: Tùy thuộc vào yêu cầu hệ thống, nhưng chi phí thường khá cao.

- Ống đồng: thường sử dụng cho hệ thống có lưu lượng nhỏ, dễ lắp đặt.

- Ống nhựa PE: chuẩn PE80 hoặc PE100, nhẹ và có khả năng chống ăn mòn tốt, thường sử dụng cho những đoạn đường ống chôn ngầm.

- Ống mềm chuyên dụng: cần tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu/khuyến cáo của nhà sản xuất, đặc biệt là về điều kiện môi trường và thời gian sử dụng. 

- Tuyệt đối không dùng ống làm từ vật liệu gang.

 

Kích thước ống

Chọn kích thước ống phù hợp với lưu lượng gas; cần tính toán kỹ áp suất bên trong, chiều dài tuyến ống và các trợ lực do thiết bị, phụ kiện lắp trên đường ống gây nên.

 

Van điều áp

- Sử dụng van điều áp 2 cấp hoặc 3 cấp tùy mục đích sử dụng.

- Áp suất trước khi dẫn vào nhà không vượt quá 1.4 bar, áp suất đầu ra tại thiết bị tiêu thụ đầu cuối ~0.03 bar.

- Có thể tích hợp với van giới hạn áp suất (OPSO hoặc UPSO) hỗ trợ ngắt khẩn cấp khi áp suất thay đổi đột ngột để nâng cao độ an toàn.

 

Lắp đặt đường ống

Việc lắp đặt đường ống của mỗi hệ thống gas công nghiệp sẽ phụ thuộc vào tiêu chuẩn thiết kế, cách bố trí mặt bằng. Khi lắp đặt đường ống, đơn vị thiết kế, thi công cần lưu ý các vấn đề sau:

- Đường ống phải có các thanh treo, giá đỡ,...phù hợp để tránh hiện tượng cong vênh, xô lệch trong quá trình sử dụng.

- Không lắp đường ống chạy bên trong ống thông gió, thang máy, ống khói,...

- Hộp gel chứa đường ống gas không được đi cùng các đường dây dẫn điện, đường ống dẫn môi chất ăn mòn hay cháy nổ.

- Đường ống được chôn ngầm, đi qua sàn nhà, tường bê tông,...phải được bảo vệ và có cảnh báo bên ngoài.

- Ống chôn ngầm phải được chôn trong các rãnh chôn lấp, có độ sâu tối thiểu là 0,6m.

- Đường ống thép chôn ngầm phải sử dụng biện pháp chống ăn mòn phù hợp.

- Sử dụng loại băng keo, keo chống xì chuyên dụng, kháng LPG cho các mối kết nối bằng ren.

- Kích thước ống mềm cao su không vượt quá 2m (càng ngắn càng tốt) và phải được bảo vệ thích hợp ở đầu ống (kẹp kim loại). Tránh sử dụng ở những nơi không nhìn thấy hoặc có nhiệt độ cao.

- Điểm cuối tuyến ống hoặc điểm chờ phải được bọc bảo vệ để tránh hiện tượng xả gas.

- Các van khóa phải được lắp ở vị trí phù hợp, thuận tiện cho việc quan sát, vận hành, bảo trì và thay thế.

- Làm sạch đường ống trước khi đưa vào sử dụng, bên ngoài đường ống nên sơn màu vàng và dán nhãn “LPG” để nhận diện với các đường ống khác.

Lắp đặt đường ống hệ thống gas công nghiệp nhà hàng

Các thiết bị an toàn

Ngoài các thiết bị chính, hệ thống gas công nghiệp cũng cần được trang bị các thiết bị an toàn nhằm phòng ngừa, cảnh báo sự cố, hạn chế thiệt hại khi có sự cố phát sinh trong quá trình sử dụng như:

- Van an toàn, van hạn dòng;

- Thiết bị dò gas;

- Thiết bị PCCC yêu cầu của cơ quan chức năng;

 

3.3. Thử nghiệm, chạy thử và kiểm định hệ thống

Sau khi lắp đặt hoàn thiện, chủ đầu tư và đơn vị thi công phải tiến hành thử nghiệm, vận hành thử để đảm bảo hệ thống hoạt động an toàn, ổn định và phải được cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm định đạt yêu cầu trước khi đưa vào sử dụng. Quy trình thực hiện gồm các bước sau:

 

3.3.1. Thử nghiệm

Đây là bước quan trọng bắt buộc phải thực hiện trước khi hệ thống được đưa vào sử dụng. Các hạng mục quan trọng cần được kiểm tra, thử nghiệm gồm:

- Thử áp suất: Tùy theo tiêu chuẩn áp dụng mà mức áp suất thử sẽ khác nhau nhưng phải đảm bảo áp suất thử nghiệm không thấp hơn áp suất sử dụng.

- Thử độ bền: Môi chất thử bền thường là nước hoặc khí nén, khí trơ (Ni-tơ). Để kiểm tra các mối nối giữa các bộ phận điều chỉnh áp suất thấp hay thiết bị sử dụng áp suất thấp, môi chất thử được sử dụng thường là khí nén/khí Ni-tơ hoặc LPG.

Lưu ý rằng

- Ống chôn ngầm phải được kiểm tra kỹ trước khi che lấp và tiến hành thử nghiệm trước khi sơn ống.

- Áp suất và và thời gian thử nghiệm được quy định theo quy chuẩn Quốc gia hoặc tiêu chuẩn thiết kế.

- Việc kiểm tra rò rỉ ở các mối nối có thể thực hiện bằng cách dùng bọt xà phòng hoặc máy dò gas chuyên dụng.

- Nếu có sự cố trong quá trình thử nghiệm, đơn vị thiết kế, thi công phải sửa chữa và tiến hành thử nghiệm lại sau khi đã khắc phục xong.

- Các báo cáo kiểm tra phải được lưu trữ.

 

3.3.2. Làm sạch đường ống

Sau khi lắp đặt, hệ thống gas công nghiệp của nhà hàng, quán ăn phải được làm sạch bằng cách sử dụng khí LPG dạng hơi làm môi chất thử để đuổi hết khí dư trong đường ống.

Đơn vị thiết kế, thi công hệ thống phải có biện pháp ngăn ngừa sự tích tụ của hỗn hợp khí thải & khí gas thải ra trong quá trình làm sạch ở không gian kín hay môi trường xung quanh, đồng thời kiểm soát nơi xả khí nhằm tránh các rủi ro cháy nổ xảy ra.

 

3.3.3. Hiệu chuẩn áp suất

Sau khi làm sạch đường ống, đơn vị lắp đặt sẽ nạp thử khí gas (LPG), sau đó tiến hành kiểm tra và điều chỉnh áp suất ở các van điều áp nhằm đảm bảo hệ thống hoạt động đúng như thiết kế. Cần đảm bảo áp suất đầu ra sau điều áp không vượt quá 20% áp suất cài đặt.

 

3.3.4. Hướng dẫn vận hành

Sau khi thử nghiệm và hiệu chỉnh áp suất, đơn vị lắp đặt phải tiến hành huấn luyện cho người sử dụng hệ thống về cách vận hành an toàn. Nội dung huấn luyện bao gồm:

- Công dụng và cách vận hành các thiết bị trong hệ thống;

- Thời điểm nạp và quy trình giao nhận LPG an toàn;

- Cách nhận biết và kiểm tra rò rỉ khí gas;

- Các sự cố có thể xảy ra và các bước xử lý để đảm bảo an toàn.

Bên cạnh đó, bên sử dụng sẽ được hướng dẫn về cách bảo quản kho chứa gas và ngăn ngừa sự xâm nhập trái phép để đảm bảo an toàn.

 

3.3.5. Kiểm định hệ thống

Khác với bếp gas gia đình, hệ thống gas công nghiệp của nhà hàng, khách sạn phải được cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm định kỹ thuật và cấp phép đủ tiêu chuẩn an toàn trước khi đưa vào sử dụng.

Xem thêm:

Tổng quan về hệ thống gas công nghiệp và tiêu chuẩn lắp đặt 

Những lưu ý khi lắp đặt và sử dụng bình gas công nghiệp

 

4. Loại bình gas nào được sử dụng cho hệ thống gas công nghiệp của nhà hàng, quán ăn?

Tùy vào nhu cầu sử dụng, điều kiện kho chứa mà hệ thống gas công nghiệp nhà hàng, quán ăn sử dụng kích cỡ bình gas khác nhau. Các loại bình gas được sử dụng phổ biến trong các hệ thống này bao gồm:

 

4.1. Bình gas 12kg

Bình 12kg thường ít được sử dụng trong các hệ thống gas công nghiệp nhưng vẫn được ưu tiên lắp đặt trong trường hợp nhà hàng có diện tích kho chứa hạn chế, nhu cầu sử dụng không nhiều (khoảng dưới 100kg/tháng).

 

4.2. Bình gas 39kg

Loại bình gas công nghiệp này rất ít trên thị trường do chỉ có vài thương hiệu sản xuất vỏ bình với kích cỡ này, chủ yếu là Elf gaz 39kg của TotalEnergies. Các hệ thống gas công nghiệp nhà hàng, quán ăn sử dụng loại bình này hầu hết là khách hàng “trung thành” của thương hiệu Elf gaz.

Hệ thống sử dụng bình công nghiệp 39kg giúp chủ nhà hàng, quán ăn tối ưu không gian và chi phí mỗi lần đổi gas. Tuy nhiên, do loại bình này khá “hiếm” trên thị trường nên có thể gây bất lợi khi nhà cung cấp “khan” hàng. Để hạn chế tình trạng này, đơn vị lắp đặt thường thiết kế làm sao để hệ thống có thể sử dụng cả loại bình 39kg và 45kg mà không ảnh hưởng đến việc vận hành.

 

4.3. Bình gas 45kg - 48kg và 50kg 

Gas 45kg là các loại bình gas được sử dụng phổ biến nhất trong các hệ thống gas công nghiệp của nhà hàng, quán ăn. Riêng loại bình 48kg và 50kg chỉ được một vài thương hiệu như Petrolimex, City Gas,...sản xuất nên sẽ không phổ biến như bình 45kg. Tuy nhiên, hầu hết các hệ thống đều được thiết kế để có thể sử dụng linh hoạt 1 trong 3 hoặc cả 3 kích thước bình này mà không ảnh hưởng đến khả năng vận hành của hệ thống.

Hệ thống gas công nghiệp 45kg cho nhà hàng

Ưu điểm của loại bình này là khối lượng lớn, có thể đáp ứng mọi nhu cầu sử dụng từ nhỏ đến lớn, phổ biến và có nhiều doanh nghiệp sản xuất nên khách hàng có thể dễ dàng lựa chọn thương hiệu, nhà cung cấp theo ý muốn.

Xem thêm: Các loại bình gas công nghiệp trên thị trường hiện nay

Sản phẩm gợi ý

@Sản phẩm gợi ý

 

 

Dịch vụ lắp đặt hệ thống gas công nghiệp cho nhà hàng, quán ăn của Gas4.0 &more
 


 

News of the same category

Best selling product

Gas Gas4.0 xám 12kg

462,000 đ

Gas Gas4.0 xanh ngang Sh 12kg

482,000 đ

Gas Siam van ngang 12kg

482,000 đ

Gas Arigato xanh 12kg

478,000 đ

Gas Arigato hồng 12kg

478,000 đ

Gas Super xám 12kg

462,000 đ

Gas Phoenix xám 12kg

462,000 đ

Gas Phoenix vàng 12kg

482,000 đ

Gas Gia Đình đỏ 12kg

482,000 đ