Gas được đánh giá là loại nhiên liệu đốt có độ an toàn cao khi sử dụng để đun nấu trong gia đình. Hiện tượng ngộ độc khí gas hiếm khi xảy ra nhưng thường để lại hậu quả khôn lường khiến người dùng gas cảm thấy lo ngại. Một số người băn khoăn liệu khí gas có độc không nếu sử dụng lâu dài.
Trong bài viết này, Gas4.0 &more sẽ giúp bạn giải đáp câu hỏi đó.
Về bản chất, thành phần của khí gas chỉ bao gồm hydrocarbon như Butan, Propan,... Ngoài ra, gas dùng để đun nấu còn được thêm vào chất tạo mùi như mercaptan, thiophane với tỷ lệ rất nhỏ nên hoàn toàn không gây độc hại cho người dùng.
Khí gas khi bị đốt cháy hoàn toàn sẽ tạo ra 2 hợp chất chính là hơi nước và khí carbon dioxide (CO2), kèm theo một vài thành phần khác. Tất cả đều không gây hại cho sức khỏe của con người khi nồng độ ở mức thông thường.
Tuy nhiên, nếu người dùng mua phải gas giả kém chất lượng, bị pha trộn nhiều tạp chất thì quá trình đốt cháy có thể sẽ tạo ra một số chất khác có tính độc hại khi tiếp xúc nhiều.
Mặc dù việc sử dụng gas thường đảm bảo an toàn nhưng trong một vài trường hợp, chúng có thể gây nguy hiểm cho người dùng. Việc sử dụng gas chỉ thực sự nguy hiểm khi:
Sử dụng bếp gas trong phòng kín là một trong những điều kiêng kỵ đối với người dùng gas. Do đặc tính nặng hơn không khí nên khi bị rò rỉ, khí gas sẽ dâng từ dưới lên trên, choán chỗ và đẩy không khí ra ngoài. Lúc này, nồng độ oxy xung quanh người dùng giảm khiến họ cảm thấy ngạt thở. Nghiêm trọng hơn, nếu không gian vừa kín vừa hẹp mà tình trạng rò rỉ gas không được khắc phục thì nồng độ khí gas sẽ tăng dần, đến một mức nào đó có thể cháy do tác động của nguồn nhiệt hay ổ điện...
Ngoài ra, trong quá trình sử dụng, gas bị đốt cháy sẽ tạo ra hơi nước và khí CO2. Nếu không khí được lưu thông bình thường, CO2 sẽ hòa trộn vào không khí và thoát ra ngoài, không ảnh hưởng gì đến con người. Nhưng nếu sử dụng gas trong phòng kín, quá trình cháy diễn ra càng nhiều thì lượng CO2 thải ra càng lớn, tích tụ dần làm cho nồng độ oxy trong phòng giảm dần khiến mọi người dễ bị ngột ngạt, khó thở.
Gas mà chúng ta sử dụng hàng ngày là loại khí gas đã được hóa lỏng bằng cách nén vào bình dưới áp suất cao. Do đó, các thiết bị như vỏ bình gas, van gas, đường ống dẫn gas,... đều phải đảm bảo tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn khi sử dụng.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, một hay nhiều thiết bị bị hư hỏng có thể làm rò rỉ gas, thậm chí phát nổ gây nguy hiểm cho người dùng. Trên thực tế, có không ít vụ cháy nổ bình gas đều xuất phát từ nguyên nhân này.
Khi sử dụng các loại nhiên liệu đốt để đun nấu bao gồm gas, nếu các chất có chứa carbon không được đốt cháy hoàn toàn thì sẽ sản sinh ra một loại khí gọi là carbon monoxide (CO). Đây là một chất khí không màu, không mùi, không gây kích ứng mũi và họng nhưng lại đặc biệt nguy hiểm. Nếu người dùng hít phải khí CO sản sinh trong quá trình sử dụng gas thì có nghĩa là họ đã bị ngộ độc khí CO hay còn gọi là ngộ độc khí gas.
Nguyên nhân gây ngộ độc khí gas thường xuất phát từ việc lắp đặt bếp gas bị sai lệch hoặc không vệ sinh, bảo dưỡng bếp, đặc biệt là đầu đốt định kỳ. Bởi vì chúng có thể làm tắc gas, khí gas phun không đều bị thiếu oxy khi đốt cháy khiến một phần nhiên carbon không được đốt cháy hoàn toàn tạo ra carbon monoxide (CO). Những người đứng gần bếp hoặc trong môi trường kín thiếu oxy hít phải khí này sẽ bị ngộ độc.
Mặc dù CO là chất khí không màu, không mùi nhưng người dùng có thể nhận ra một số dấu hiệu cho thấy bếp gas gia đình đang sản sinh khí CO như:
- Lửa từ bếp gas có màu vàng, cháy lớn và không ổn định
Gas phun không đều dẫn đến dư khí gas và thiếu oxy, gas đốt cháy không hoàn toàn sẽ cho ngọn lửa màu vàng hoặc đỏ.
- Xuất hiện mùi hăng rất khó chịu
Do quá trình đốt cháy khí gas trong điều kiện thiếu khí sẽ tạo ra một chất khác là aldehyde, gây mùi khó chịu.
- Cảm thấy nhức đầu và chóng mặt khi nấu nướng
Khí CO có thể được hít vào và hấp thu dễ dàng qua phổi. Khi xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ kết hợp với hemoglobin trong hồng cầu và tạo thành Carboxyhemoglobin. Chất này gây ức chế việc hấp thu oxy khiến các tế bào và mô chết dần, gây ra các triệu chứng như chóng mặt, đau đầu, ù tai, khó thở, buồn nôn, Nặng hơn có thể khiến người ngộ độc khí CO bị hoảng loạn tinh thần, da dẻ tái nhợt, suy giảm thị lực và khả năng vận động, thậm chí rơi vào hôn mê.
Việc ngộ độc khí gas có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng người dùng nếu không được cấp cứu kịp thời. Do đó những người dùng gas cần thực hiện các biện pháp phòng tránh ngay từ đầu:
- Lựa chọn bếp gas và bình gas của các thương hiệu có uy tín, đảm bảo chất lượng.
- Nếu thiếu kinh nghiệm, tốt hơn hết nên nhờ kỹ thuật viên chuyên nghiệp hỗ trợ việc lắp đặt bếp gas.
- Đảm bảo không gian phòng bếp thông thoáng để không khí được lưu thông, giảm nồng độ CO sản sinh trong quá trình nấu nướng (nếu có).
- Vệ sinh và bảo trì bếp gas định kỳ.
- Lắp đặt thiết bị có chức năng phát hiện khí CO và rò rỉ khí gas.
Nếu nhận thấy các dấu hiệu bị ngộ độc khí CO, hãy bịt chặt mũi của mình và tắt bếp, khóa van bình gas, sau đó mở tất cả cửa cho thoáng và ra khỏi phòng.
Với nạn nhân bị ngộ độc khí gas, cần phải tiến hành hô hấp nhân tạo và gọi điện thoại cho phòng cấp cứu ngay lập tức.
Với những thông tin trên, hy vọng bạn đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi “khí gas có độc không” và trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để phòng tránh nguy cơ rò rỉ, cháy nổ và ngộ độc khí gas. Điều quan trọng là cần lựa chọn bình gas và bếp gas chất lượng, sử dụng theo hướng dẫn, khuyến cáo của nhà sản xuất để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh.