Bài viết liên quan:
◾ Tiêu thụ khí đốt của Việt Nam có thể tăng gấp đôi trong 10 năm tới
◾ Việt Nam tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên dù giá tăng cao
Đầu tháng 11-2021, thị trường gas ghi nhận chu kỳ tăng thứ 9 liên tiếp trong năm 2021 với mức 1.417 đồng/kg. Sau nhiều tháng tăng phi mã với mức tăng 170.000 kể từ đầu năm, giá gas 12kg chính thức vượt 500.000 đồng. Riêng các loại bình gas công nghiệp 45kg và 48kg, mức tăng lần lượt là 640.000 và 710.000 đồng tính từ đầu năm đã đẩy giá gas lên mức đỉnh điểm, vượt 1.700.000 đồng/bình.
Lý giải nguyên nhân giá gas tăng mạnh trong nhiều tháng liên tiếp, đại diện của nhiều doanh nghiệp kinh doanh đều cho biết, giá gas trong nước vẫn phụ thuộc và biến động theo giá thị trường khí đốt tự nhiên của thế giới bởi hiện nay Việt Nam chỉ chủ động được khoảng 60% nhu cầu tiêu thụ, còn lại vẫn phải nhập khẩu LNG từ các nước khác.
Tình hình nhập khẩu khí đốt tự nhiên 9 tháng đầu năm 2021 - Nguồn: Tổng cục Hải quan
Kể từ đầu năm đến nay, giá nhập khẩu khí đốt tăng cao bởi giá gas thế giới cũng tăng phi mã bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng năng lượng của Nga dẫn đến tình trạng khan hiếm nhiên liệu này tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong khi tồn kho dự trữ thấp kỷ lục, nhu cầu sưởi ấm khi mùa đông đến càng khiến cho tình trạng này càng nghiêm trọng.
Không những thế, thiên tai và đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng khai thác. Theo thống kê, sản lượng khai thác khí chỉ đạt 70% so với giai đoạn trước đó dẫn đến sự đứt đoạn của chuỗi cung ứng, đồng thời chi phí logistics tăng cũng phần nào khiến giá gas tăng mạnh.
Theo dự báo của EIA, giá gas thế giới có thể tiếp tục tăng trong những tháng mùa đông cuối năm và chỉ hạ nhiệt vào đầu năm 2022. Tuy nhiên, điều này có thể diễn ra sớm hơn sau khi chính quyền Putin tuyên bố sẽ lấp đầy kho chứa trong nước và tăng lượng khí đốt trong lòng đất của mình ở kho hàng châu u vào đầu tháng này.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục quản lý giá của Bộ Tài chính cho biết: “Giá giao dịch gas trên thị trường thế giới giao theo hợp đồng trong tháng 11 tăng 52.5 USD/tấn so với tháng 10, bình quân 850 USD/tấn. Do đó, các đơn vị kinh doanh gas trong nước phải điều chỉnh tăng giá gas bán lẻ.” Trước đó, vào tháng 10, giá gas hợp đồng giao ngay cũng đã ghi nhận mức tăng kỷ lục lên tới 132,5 USD/tấn so với tháng trước dẫn đến giá gas trong nước tháng 10 tăng mạnh ở mức 42.000 đồng/bình 12kg và 170.000 đồng/bình 45kg.
Giá gas trong nước tăng phi mã trong nhiều tháng liên tiếp gây tác động không nhỏ đến đời sống và nhiều lĩnh vực, đồng thời ảnh hưởng đến sự phục hồi sau đại dịch.
So với giá bán lẻ khoảng 350.000 - 380.000 đồng/bình 12kg trước khi thực hiện giãn cách xã hội, giá gas tháng 11 đã tăng lên đến hơn 500.000 đồng/bình khiến người sử dụng gas gặp nhiều khó khăn hơn trong giai đoạn quay trở lại với cuộc sống bình thường mới. Dịch bệnh kéo dài khiến thu nhập sụt giảm, trong khi đó, giá gas, gia xăng dầu và nhiều mặt hàng thiết yếu tăng mạnh khiến người dân càng thêm khốn đốn sau đại dịch. Có thể nói, việc một loạt các mặt hàng nhiên liệu tăng giá đồng loạt sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu của nhiều gia đình.
Theo đại diện của Bộ Công Thương và các chuyên gia kinh tế, việc giá gas và nhiều mặt hàng liên quan đến tiêu dùng tăng mạnh chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong những tháng cuối năm.
Không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người dân, “cú sốc” giá gas trong 2 tháng gần đây cũng tác động đến nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh, gây khó khăn cho kế hoạch phục hồi kinh tế.
PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả cho rằng, giá nhiên liệu tác động trực tiếp và gián tiếp đến hầu hết các lĩnh vực. Các chi phí đầu vào như gas, xăng dầu, sắt thép,.. đều tăng có thể dẫn đến nguy cơ lạm phát, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sau thời gian ngưng trệ vì đại dịch Covid-19.
Đối tượng đầu tiên chịu ảnh hưởng của việc tăng giá gas tại thời điểm này chính là doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, ăn uống. Sau nhiều tháng phải tạm đóng cửa vì đại dịch, ngay khi vừa hoạt động trở lại, những doanh nghiệp này đã phải chịu gánh nặng chi phí không hề nhỏ từ giá gas trong khi lượng khách hàng chưa thể phục hồi như bình thường. Đây sẽ là một trong những yếu tố cản trở quá trình phục hồi của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Bên cạnh đó, gas là nhiên liệu được sử dụng trong nhiều ngành sản xuất, thương mại và logistics. Cùng với giá xăng dầu, giá gas tác động trực tiếp và gián tiếp đẩy chi phí sản xuất và logistics tăng lên. Để bù đắp cho khoản chi phí này, việc các doanh nghiệp sản xuất tăng giá thành sản phẩm là điều nằm trong dự kiến.
Chưa kể, tình hình giá gas “leo thang” như hiện nay chắc chắn cũng tác động rất lớn đến doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân phối gas bởi suốt thời gian giãn cách, các nhà hàng đóng cửa khiến nguồn thu chủ yếu dựa vào nhu cầu tiêu dùng của gia đình. Tình trạng nhiều nhà hàng đóng cửa sau dịch cũng khiến doanh thu từ đối tượng khách hàng này sụt giảm, rất khó phục hồi lại được như giai đoạn trước dịch một cách nhanh chóng.
Nhiều đại lý gas cho biết, do vừa mở cửa trở lại, việc kinh doanh đang trong giai đoạn phục hồi nên mức tiêu thụ gas khá chậm. Vào thời điểm này, số lượng gas cung cấp cho hệ thống nhà hàng gần như chỉ đạt 30% so với thời điểm trước dịch. Trong khi đó, giá gas biến động khiến nhiều khách hàng e ngại không dám đặt trước nhiều, đồng thời mong muốn được hỗ trợ giá vì họ không thể tăng giá bán để bù lại chi phí gas tăng. Điều này khiến lượng tiêu thụ tại cửa hàng gas giảm mạnh. Đó là chưa kể trong một tháng nay, giá gas tăng chóng mặt nên người tiêu dùng lẻ cũng bắt đầu chuyển hướng sang sử dụng những thiết bị khác như bếp điện để thay thế cho bếp gas.
Bên cạnh nỗi lo về giá gas “nhảy vọt”, các doanh nghiệp kinh doanh và người tiêu dùng còn phải đối mặt với tình trạng sang chiết gas lậu, gia giả. Giá mặt hàng này tăng cao sẽ khiến các cơ sở sang chiết trái phép hoạt động mạnh hơn để đầu cơ trục lợi, gây nhiều khó khăn hơn cho những đơn vị kinh doanh chính thống.
Kết:
Tình hình giá gas trong nước và thế giới sẽ tiếp tục có nhiều biến động, rất khó để dự đoán xu hướng tăng hay giảm bởi ảnh hưởng của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến việc khôi phục sản xuất kinh doanh cũng như cuộc sống bình thường mới. Điều các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng cần làm lúc này là cập nhật những biến động của thị trường để có giải pháp dự phòng, hỗ trợ lẫn nhau nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực do giá gas tăng, tiến đến phục hồi cung - cầu.
Nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Gas4.0 &more đang triển khai chương trình hỗ trợ giảm giá trực tiếp từ 50.000 - 120.000 đồng cho khách hàng khi đặt gas tại hệ thống. Vui lòng tham khảo các loại bình gas chính hãng tại website/ứng dụng để lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu sử dụng. Liên hệ 1900 1740 để biết thêm thông tin chi tiết chương trình ưu đãi áp dụng cho từng cửa hàng và chính sách chiết khấu cho quán ăn, nhà hàng, cơ sở sản xuất - kinh doanh sử dụng nhiều.