

Sốt là triệu chứng phổ biến, hầu như ai cũng gặp phải ít nhất một lần trong đời. Khi bị sốt cao, cơ thể dễ bị mất nước, dẫn đến các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi,... Do đó, bổ sung nước là điều cần thiết để cải thiện triệu chứng, giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi và ngăn ngừa kiệt sức khi bị sốt. Trên thực tế, không ít người bệnh có thể phục hồi, hạ sốt nhờ việc uống nước mà không cần dùng đến thuốc. Tuy nhiên, không phải nước uống nào cũng có tác dụng hỗ trợ hạ sốt. Ngược lại, việc uống nước sai cách, sai loại nước có thể khiến tình trạng sốt kéo dài hơn. Vậy, người bị sốt nên uống nước gì và uống như thế nào để nhanh hạ nhiệt và phục hồi sức khỏe?
Khi bị sốt, cơ thể kích hoạt cơ chế tự bảo vệ bằng cách hạ sốt thông qua đường thở (thở gấp), toát mồ hôi, bốc hơi ẩm trên da,... Điều này sẽ làm nước trong cơ thể bị thất thoát nhanh chóng, dẫn đến nguy cơ mất nước và chất điện giải. Vì vậy, người bệnh sẽ có nhu cầu bổ sung một lượng nước lớn để bù đắp cho cơ thể.
Không những thế, nước và chất điện giải còn là chất xúc tác quan trọng cho các phản ứng hóa học và quá trình đào thải độc tố, chất dư thừa. Việc bổ sung đủ nước giúp cơ thể vận hành trơn tru, thúc đẩy quá trình đào thải vi khuẩn - tác nhân gây sốt ra khỏi cơ thể thông qua nước tiểu. Ngoài ra, một số loại nước uống giúp bổ sung năng lượng, vitamin và khoáng chất cần thiết để tăng cường sức đề kháng, giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn và virus.
Do đó, uống nhiều nước khi bị sốt không chỉ bù đắp lượng nước đã mất, tránh tình trạng kiệt sức do mất nước mà còn giúp hạ sốt và phục hồi sức khỏe nhanh hơn.
Khi bị sốt, cơ thể bị mất nước và chất điện giải nhanh chóng. Ngoài ra, sự xâm nhập của vi khuẩn và virus cũng khiến sức khỏe bị suy giảm. Vì vậy, những loại nước uống giúp bù nước bù khoáng, bổ sung năng lượng và tăng sức đề kháng sau đây được các chuyên gia sức khỏe khuyến khích sử dụng.
Nếu bạn vẫn chưa biết bị sốt nên uống nước gì thì bổ sung nhiều nước lọc là giải pháp tiện lợi hơn cả. Việc bổ sung nước lọc, đặc biệt là nước có thành phần vi khoáng như nước khoáng, nước ion kiềm không chỉ giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước mà còn bổ sung một phần chất điện giải như kali, natri,... cho cơ thể. Ngoài ra, nước lọc giúp cân bằng môi trường chất lỏng, có lợi cho quá trình trao đổi chất và loại bỏ độc tố, vi khuẩn ra khỏi cơ thể, giúp hạ sốt nhanh chóng.
Rau diếp cá có tính mát, thành phần có chứa decanoyl-acetaldehyd, một hợp chất có tính kháng sinh tự nhiên, có khả năng kháng khuẩn và chống viêm nên có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể đối phó với các tác nhân gây sốt. Khi bị sốt, bạn có thể lấy một ít lá diếp cá, rửa sạch rồi giã hoặc xay nhuyễn, pha với một chút nước ấm sau đó chắt lấy nước để uống. Loại nước này có bị hơi tanh, khó uống nhưng lại có tác dụng hạ nhiệt nhanh nên nếu sốt cao mà không có sẵn thuốc hoặc các giải pháp hạ nhiệt khác thì bạn nên dùng thử cách này.
Nước dừa chứa đường tự nhiên, chất béo, axit amin, axit hữu cơ, các enzyme, vitamin B và C. Ngoài ra, loại nước uống này còn rất giàu chất điện giải cùng các khoáng chất tự nhiên như kali, natri, magie, canxi, selen, kẽm,... Công dụng của nước dừa tương tự như oresol nên có tác dụng hạ sốt nhanh đồng thời cung cấp vitamin và chất điện giải giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng.
Tuy nhiên, dừa có tính hàn và giàu axit béo nên hạn chế uống vào buổi tối hoặc khi bị sốt kèm theo triệu chứng khó tiêu, đầy bụng.
Nước cam, chanh và một số loại trái cây khác như bưởi, kiwi được xem là lựa chọn lý tưởng cho người bị sốt nhờ thành phần giàu vitamin C và khoáng chất. Hàm lượng vitamin C trong nước cam, chanh giúp cơ thể được tăng cường miễn dịch để chống lại các vi khuẩn, virus gây sốt, hỗ trợ quá trình hạ sốt tự nhiên. Bên cạnh đó, các chất như canxi, phốt pho, sắt, kẽm, folate, vitamin A, β-carotene,... trong nước cam có tác dụng cân bằng điện giải và bổ sung năng lượng để cơ thể phục hồi nhanh chóng.
Một số loại trà thảo mộc nóng hoạt động như một loại thuốc thông mũi và cổ họng tự nhiên, giúp cải thiện triệu chứng ho và nghẹt mũi khi bị cảm sốt. Chưa kể, trà thảo mộc còn chứa nhiều EGCG, polyphenol và tannin, những chất chống oxy hóa có khả năng sát trùng và ngăn ngừa vi khuẩn gây sốt cao.
Nước ép củ cải đường là phương thuốc bí truyền giúp ngăn ngừa tình trạng giảm tiểu cầu và các triệu chứng tương tự của bệnh sốt xuất huyết. Đó là bởi trong củ cải đường có hàm lượng sắt rất cao, giúp thúc đẩy sản xuất tế bào máu để tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể, chống lại các tác nhân gây sốt. Ngoài ra, loại thức uống này còn giàu vitamin A, C, K và khoáng chất thiết yếu, có lợi cho sự phục hồi sức khỏe khi bị sốt.
Bên cạnh việc bổ sung các loại thức uống bù nước, chất điện giải và dưỡng chất cần thiết để phục hồi sức khỏe, người bị sốt cũng cần hạn chế tiêu thụ các loại nước uống sau để tránh tình trạng sốt tăng thêm.
Khi bị sốt có thể dùng khăn đá lạnh để giảm nhiệt cho cơ thể nhưng không nên uống nước lạnh bởi sẽ làm triệu chứng sốt nặng hơn. Đặc biệt, nếu sốt do các bệnh truyền nhiễm, tiêu hóa như kiết lỵ thì việc uống nước quá lạnh có thể khiến bệnh càng trầm trọng hơn.
Trà xanh được biết đến là loại nước uống tốt cho sức khỏe nhờ tính oxy hóa mạnh và được khuyến khích sử dụng hàng ngày. Tuy nhiên, thức uống này lại không được khuyến nghị dùng cho người bị ốm sốt bởi nó có thể kích thích não, làm tăng đường huyết dẫn đến nhiệt độ cơ thể tăng lên. Ngoài ra, nước trà xanh còn có thể làm giảm tác dụng của thuốc hạ sốt.
Nước pha mật ong có khả năng kháng viêm và chống oxy hóa mạnh, tốt cho sức khỏe nhưng lại không có lợi cho người đang bị sốt. Ngược lại, uống nhiều nước mật ong khi đang bị sốt cho thể làm tăng nhiệt độ cơ thể, khiến triệu chứng sốt nặng thêm.
Bổ sung nước là điều quan trọng cần thực hiện khi bị sốt để giảm nguy cơ bị kiệt sức và giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng. Người bị sốt nên ưu tiên bổ sung các loại nước giúp bù điện giải và tăng sức đề kháng để duy trì năng lượng và hỗ trợ đẩy lùi cơn sốt hiệu quả hơn.