![](https://ecom.viettechsmart.com:5020/Media/Images/News/suy-nhuoc-co-the-nen-uong-gi-thumb.jpg)
![](assets/images/LogoGas40More_Do.png)
Mất nước kéo dài để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Việc nhận biết các dấu hiệu mất nước ở trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh là điều rất quan trọng giúp cha mẹ có thể can thiệp kịp thời và duy trì sức khỏe cho con.
Nước chiếm khoảng hơn 2/3 trọng lượng cơ thể và đảm nhận nhiều nhiệm vụ cấp thiết: duy trì nhiệt độ cơ thể, là chất bôi trơn của nhiều cơ quan, hỗ trợ hệ tiêu hóa, bảo vệ làn da khỏe mạnh và loại bỏ độc tố, chất thải ra khỏi cơ thể.
Khi cơ thể trẻ bị mất nước, các cơ quan sẽ không còn hoạt động một cách bình thường, điều này dẫn đến mất cân bằng điện giải, kéo theo một loạt biến chứng nghiêm trọng khác như:
- Tổn thương do nhiệt, nếu nhẹ có thể khiến trẻ bị chuột rút, nếu nặng có thể dẫn tới sốc nhiệt, nguy hiểm tới tính mạng.
- Gây ra các bệnh lý liên quan đến thận: Thiếu nước kéo dài làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tiểu, hình thành sỏi thận, nặng nhất có thể dẫn đến suy thận.
- Động kinh: Mất nước gây mất cân bằng điện giải, dẫn đến sự rối loạn trong dẫn truyền tín hiệu giữa các tế bào trong cơ thể. Hậu quả là các cơn co giật không chủ ý, một số trường hợp có thể mất ý thức.
- Sốc giảm thể tích: Mất nước khiến thể tích dịch lưu thông trong lòng mạch giảm, dẫn tới huyết áp giảm, các cơ quan thiết yếu không đủ oxy và dưỡng chất để duy trì hoạt động, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Các dấu hiệu mất nước ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời có thể dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn, thậm chí có thể tử vong.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất nước ở trẻ, phổ biến là: sốt cao, tiêu chảy, nôn mửa hoặc trẻ hoạt động quá mức trong thời gian ngắn. Tình trạng mất nước xảy ra khi trẻ mất nhiều chất lỏng hơn mức tiêu thụ, dẫn đến sự gián đoạn hoạt động bình thường của cơ thể. Tình trạng này biểu hiện thông qua một số dấu hiệu sau:
Một trong những dấu hiệu mất nước sớm nhất ở trẻ là giảm tần suất đi tiểu. Cha mẹ nên theo dõi tình trạng tã ướt của bé và bất kỳ sự sụt giảm đáng kể nào cũng có thể cho thấy bé bị mất nước.
Trẻ bị mất nước có thể bị khô miệng và môi. Việc thiếu nước bọt có thể dẫn đến mô miệng bị khô, vì vậy hãy chú ý đến sức khỏe răng miệng và độ ẩm khoang miệng của bé.
Điểm mềm trên đầu của em bé được gọi là thóp. Nó có thể bị lõm xuống trong trường hợp bé bị mất nước. Đây là một trong những dấu hiệu rõ ràng cho thấy cơ thể bé đang thiếu chất lỏng.
Mặc dù khóc là phương tiện giao tiếp tự nhiên của trẻ sơ sinh nhưng việc không có nước mắt khi khóc có thể là dấu hiệu của tình trạng mất nước. Nước mắt có thành phần chủ yếu là nước và sự vắng mặt của nước mắt có thể báo hiệu sự mất cân bằng chất lỏng trong cơ thể của trẻ.
Mất nước có thể ảnh hưởng đến mức năng lượng của em bé. Nếu em bé của bạn cáu kỉnh hoặc thờ ơ bất thường và tỏ ra thiếu hứng thú với các hoạt động, đó có thể là dấu hiệu của tình trạng mất nước.
Trẻ bị mất nước có thể có làn da mát hơn và ẩm do lưu thông máu giảm. Cha mẹ nên sờ vào da của bé, đặc biệt là tay và chân, xem có bất kỳ thay đổi nhiệt độ bất thường nào không.
Thông qua đôi mắt của trẻ, cha mẹ có thể nhận biết tình trạng hydrat hóa của em bé. Mắt trũng hoặc quầng thâm có thể là dấu hiệu của tình trạng mất nước vì cơ thể ưu tiên bảo quản chất lỏng cho các chức năng quan trọng như mắt.
Mất nước có thể làm giảm rõ rệt độ căng mọng ở má của em bé. Ngoài ra, da ở mu bàn tay, bụng hoặc đùi có thể mỏng và trở nên khô hơn khi trẻ bị mất nước.
Khi nhận thấy các dấu hiệu mất nước ở trẻ, cha mẹ nên tìm cách bù nước - bù điện giải kịp thời cho con để giảm bớt sự mệt mỏi và khó chịu. Một số biện pháp có thể áp dụng như:
Bổ sung nước đã mất bằng dung dịch oresol là phương pháp phổ biến được nhiều bố mẹ áp dụng khi trẻ gặp tình trạng mất nước. Dùng oresol có thể giúp bù nước và bù điện giải đã mất do trẻ nôn ói hoặc tiêu chảy, giúp trẻ tỉnh táo và dần bình thường trở lại.
Tuy nhiên, bố mẹ cần lưu ý tuân thủ đúng liều lượng sử dụng và hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc dược sĩ. Ngoài ra, không nên cho trẻ uống thuốc quá 24 giờ sau khi pha.
Với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, mẹ nên tăng tần suất cho trẻ bú hoặc tiếp tục cho trẻ uống sữa công thức để bù lại lượng nước đã mất.
Với trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi, bố mẹ có thể bổ sung khoảng ½ đến 1 ly nước tinh khiết/ngày (tương đương ~250ml).
Trẻ từ 1 tuổi trở lên, bố mẹ có thể bổ sung đủ lượng nước trong ngày dựa theo độ tuổi. Chẳng hạn, trẻ 1 tuổi thì uống 1 ly nước/ngày (~250ml), trẻ 2 tuổi thì uống 2 ly nước/ngày (~500ml), trẻ từ 8 tuổi có thể uống 6 - 8 ly nước/ngày (~1,2 - 2 lít),...
Song song đó, bố mẹ nên cho trẻ ăn các món ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp,… và chia nhỏ bữa ăn trong ngày để bổ sung nước và chất dinh dưỡng cho cơ thể một cách hợp lý.
Xem thêm: Cần biết: Các loại nước uống an toàn dành cho trẻ em
Ngồi/nằm trong phòng điều hòa quá lâu ở nhiệt độ quá thấp không chỉ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp mà còn dễ khiến cơ thể bị mất nước. Vì vậy, khi cho trẻ nằm nghỉ ngơi ở phòng điều hòa, cha mẹ cần lưu ý điều chỉnh nhiệt độ phù hợp. Nhiệt độ phòng nên được duy trì ở mức ~28 độ C hoặc thấp hơn nhiệt độ môi trường bên ngoài khoảng 8 - 10 độ C.
Nếu đã thực hiện các giải pháp trên nhưng trẻ không có dấu hiệu hồi phục, đi kèm các biểu hiện nguy hiểm như nôn ra máu hoặc dịch màu xanh lá, đi ngoài ra máu, tiêu chảy và nôn ói liên tục,... bố mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được theo dõi, điều trị kịp thời.
Để ngăn ngừa tình trạng mất nước ở trẻ, ba mẹ cần chú ý những điều sau:
- Kiểm soát lượng nước uống hằng ngày của trẻ, tránh việc uống quá ít nước hoặc không bổ sung nước lọc cho cơ thể.
- Không để trẻ hoạt động quá lâu dưới trời nắng nóng để tránh tình trạng bị sốc nhiệt, mất nước cấp tính.
- Không để trẻ mặc trang phục quá dày, mặc quần áo sáng màu, thoáng mát, mỏng nhẹ cho cơ thể trẻ thoáng mát, ít mất nước.
- Vệ sinh dụng cụ ăn uống, đảm bảo vệ sinh khi chế biến và sử dụng thực phẩm để tránh nguy cơ trẻ bị tiêu chảy, nôn mửa gây mất nước.
Xem thêm: Chế độ uống nước lành mạnh giúp trẻ em phát triển toàn diện
Bên cạnh việc cung cấp đủ nước mỗi ngày, bố mẹ cần xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, đa dạng các loại thực phẩm, đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng gồm chất đạm, chất béo, chất đường bột, vitamin và khoáng chất để tăng cường sức khỏe và giúp trẻ phát triển toàn diện.