

Cơm chiên là món ăn được nhiều người Việt ưa chuộng bởi hương vị thơm ngon, tiện lợi và dễ chế biến. Nhiều gia đình có thói quen tận dụng cơm nguội còn thừa từ bữa tối ngày hôm trước để chế biến món cơm chiên cho bữa sáng. Tuy nhiên, nếu cơm nguội không được bảo quản đúng cách sẽ nhanh ôi thiu, gây lãng phí. Vì vậy, cơm nguội có thể giữ được bao lâu và cách bảo quản cơm nguội đúng cách để không ảnh hưởng đến sức khỏe khi chế biến lại là câu hỏi mà nhiều bà nội trợ vô cùng quan tâm.
Nếu được bảo quản đúng cách, cơm nguội có thể giữ được khoảng 24 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, nếu phạm vào một trong những sai lầm dưới đây, cơm rất dễ bị cứng hoặc ôi thiu.
Cơm còn nóng để ngay vào tủ lạnh sẽ hấp thụ hơi lạnh nhiều hơn nên sẽ dễ bị lại gạo, nhanh thiu và lây chéo vi khuẩn từ các loại thực phẩm tươi sống.
Ngoài ra, cho cơm nóng vào tủ lạnh có thể khiến nhiệt độ bên trong tủ tăng cao so với mức nhiệt cần thiết làm ảnh hưởng đến quá trình bảo quản lạnh. Điều đó có thể dẫn đến sự biến chất, mất giá trị dinh dưỡng của các loại thực phẩm khác. Chưa kể, hơi nóng đột ngột có thể làm ảnh hưởng đến chức năng của tủ lạnh, khiến tủ dễ bị hư hỏng hơn.
Do đó, các chuyên gia dinh dưỡng luôn khuyến cáo người nội trợ không nên bảo quản cơm nóng trong tủ lạnh mà phải chờ cơm nguội hẳn mới được bỏ vào. Điều này không chỉ giúp cơm nguội giữ được lâu hơn mà còn tránh làm ảnh hưởng đến thực phẩm khác.
Cũng như nhiều loại thực phẩm khác, cơm nguội hâm lại nhiều lần không chỉ làm giảm vị ngon mà còn làm hao hụt chất dinh dưỡng, thậm chí còn bị hồ hóa tinh bột gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Do đó, đối với cơm nguội, bạn không nên hâm lại nhiều hơn 2 lần để đảm bảo dinh dưỡng cũng như độ mềm dẻo, vị ngon của hạt cơm.
Để cơm nguội cùng hộp với thức ăn khác rồi bảo quản là điều không nên làm bởi một khi thức ăn khác dính vào cơm thì cơm sẽ bị ám mùi khó chịu hoặc phản ứng với thức ăn gây biến chất, khiến cơm nhanh bị thiu hơn.
Nguyên tắc bảo quản thực phẩm, kể cả cơm nguội là mỗi loại cho vào một hộp riêng biệt, đậy kín nắp rồi cho vào tủ lạnh nhé.
Một số chị em nội trợ có thói quen trộn lẫn cơm cũ và cơm mới trước hoặc sau khi hấp. Tuy nhiên, đây là điều tối kỵ bởi làm thế có thể khiến cơm mới nhanh bị thiu hơn.
Nếu muốn hấp lại cơm nguội khi nấu cơm mới, tốt nhất là chờ cơm mới chín hẳn, sau đó để cơm nguội cần hấp lại ở một góc riêng trong nồi. Trước khi dùng, xới phần cơm nguội vừa hấp ra để riêng và dùng trước để tránh lãng phí, cũng không ảnh hưởng đến phần cơm mới nấu.
Bảo quản và hâm lại cơm nguội không bị thiu là việc mà hầu như người nội trợ nào cũng biết làm. Tuy nhiên, bảo quản thế nào để vừa đảm bảo hương vị, độ mềm dẻo cũng như giá trị dinh dưỡng thì không phải ai cũng biết.
Về nguyên tắc, cơm nguội để ở bên ngoài hơn 5 tiếng đồng hồ thì không nên dùng nữa. Do đó, để giữ cơm nguội qua đêm không bị thiu, cách tốt nhất là nên bảo quản chúng trong ngăn mát tủ lạnh.
Trước khi để cơm vào tủ lạnh, hãy đảm bảo cơm đã đủ nguội. Để giữ được lâu, bạn nên cho cơm nguội vào hộp kín, bọc thêm 1 lớp màng bọc thực phẩm bên ngoài hộp sau đó đặt vào ngăn mát và bảo quản ở nhiệt độ dưới 5 độ C.
Cơm nguội được bảo quản trong tủ lạnh có thể để được 2-3 ngày mà không bị thiu. Tuy nhiên, để đảm bảo hương vị và giá trị dinh dưỡng, bạn nên sử dụng trong vòng 24 giờ.
Cơm nguội còn dư sau bữa cơm có thể được tận dụng để chế biến thành món cơm cháy hoặc cơm chiên hấp dẫn. Tuy nhiên, cần lưu ý cách bảo quản và thời gian bảo quản để giữ được hương vị và giá trị dinh dưỡng cần thiết.
Bên cạnh đó, chất lượng của gạo cũng là yếu tố quan trọng vì chúng quyết định đến hàm lượng các chất trong hạt cơm. Một số loại gạo khi nấu cơm sẽ có thời gian bảo quản lâu hơn. Ví dụ như cơm nấu từ gạo ST24 và ST25 có thể để được 18 tiếng ở nhiệt độ thường mà không bị cứng hay biến đổi hương vị. Vì thế, nếu gia đình thường xuyên bị dư cơm sau bữa ăn hoặc có nhu cầu bảo quản cơm nguội qua đêm thì nên cân nhắc lựa chọn loại gạo phù hợp.